Cửu Phẩm Liên Hoa Tháp chùa Việt Nam

Đài Cửu Phẩm Liên Hoa đặt trong Nhà Phẩm tại Chùa Đồng Ngọ (Tiền Tiến, Hải Dương)

Đài Cửu Phẩm Liên Hoa là một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo đặc biệt, thể hiện một cách sống động sự dung thông, tịnh hành ba yếu tố Thiền – Tịnh – Mật trong hành trình truyền giáo của các Thiền sư phái Trúc Lâm, Trúc LâmLâm Tế, đáp ứng nhu cầu học Phật của tôn giáo và xã hội Việt Nam thời phong kiến[54].

Đài “Cửu phẩm liên hoa” là một hình thức tháp độc đáo, thể hiện cách diễn giải riêng của các nhà sư Việt Nam về giáo lý của Đạo Phật. Đài làm dưới dạng “Tháp xoay”, tháp xoay chính là một biến cách của chuông pháp luân ở Tây Tạng. Cửu Phẩm Liên Hoa vốn có nguồn gốc sâu xa từ các nghi lễ vừa hành lễ, vừa cầu kinh vừa quay một vật gì đó như con lắc, quả chuông, tòa tháp làm cho lời kinh được phát tán vào trời đất, trong đó ý nghĩa chính là cầu cho thế giới được hòa bình, con người được hạnh phúc. Tuy nhiên dạng thức Cửu Phẩm Liên Hoa được hình tượng hóa lên từ kinh sách Tịnh Độ tông trong nghệ thuật kiến trúc, dường như lại chỉ tìm thấy trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam[55]. Hiện nay tại Việt Nam chỉ còn lại ba tháp Cửu phẩm liên hoa tương đối nguyên vẹn, đều có niên đại khoảng thế kỉ VXVII:

  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Động Ngọ (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) (bảo vật quốc gia)
  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Giám (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) (bảo vật quốc gia)

Nguồn gốc

Phật quang đại từ điển định nghĩa[56]:

Cửu phẩm liên hoa đài (chữ Hán:九品蓮花臺): chín bậc đài sen. Đài sen của những người tu theo Cửu phẩm vãng sinh. Gọi tắt là Cửu liên. Người tu niệm Phật cầu vãng sinh, lúc sắp chết được thánh chúng đem đài sen đến đón… Cửu phẩm vãng sinh… gồm Thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh, trung phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, trung phẩm hạ sinh, hạ phẩm thượng sinh, hạ phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh... Cứ theo kinh Quán vô lượng thọ, những người cầu nguyện vãng sinh tùy theo căn cơ và hạnh nghiệp hơn kém mà chia làm chín bậc. Do đó cõi Tịnh độ cực lạc cũng chia làm chín bậc khác nhau. Ngoài ra Mật giáo cũng có thuyết chín phẩm riêng... Cửu phẩm vãng sinh kinh, 1 quyển, Bất Không dịch vào đời Đường. Gọi đủ là Cửu phẩm vãng sinh a di đà tam ma địa tập đà la ni kinh.

Có thể thấy, đài “Cửu phẩm liên hoa” tuy xuất phát từ Tịnh độ tông nhưng yếu tố Mật thuộc Mật tông và Thiền thể hiện khá rõ ràng. Bởi Quán vô lượng thọ là một trong ba bộ kinh cơ bản của Tịnh độ tông, nhưng “Quán” chính là "Chỉ" – "Quán" trong Thiền pháp vốn có của Phật giáo. Và như vậy là Thiền – Tịnh dung thông. Còn Cửu phẩm vãng sinh a di đà tam ma địa tập đà la ni kinh chính là kinh thể hiện đầy đủ nhất cho sự dung thông ba yếu tố Thiền – Tịnh – Mật. Tên kinh “Cửu phẩm vãng sinh a di đà” thuộc Tịnh độ tông, “Tam ma địa tập” chính là cách gọi khác của Tam muội – Chính định thuộc Thiền, “Đà la ni” là một trong những cách gọi tiêu biểu của Mật tông[54].

Ý nghĩa

Cửu phẩm liên hoa là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi có Phật A-di-đà thường trú. Cửu phẩm liên hoa gồm có tám mặt, biểu hiện cho tám hướng, chín tầng đài sen tượng trưng cho chín cấp trong thế giới Tịnh Độ. Thế giới của A-di-đà Phật là thế giới gắn với các kiếp đời đã qua cho nên tòa Cửu phẩm liên hoa còn gọi là Cửu phẩm vãng sinh. "Vãng sinh" là "sự qua lại sinh ra", theo quan niệm Phật giáo sống một ngày là chết một ngày, chết một ngày ở kiếp này là đang sinh ra một ngày ở kiếp khác[57].

Cửu phẩm vãng sinh chia làm ba bậc từ trên xuống: thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh, hạ phẩm vãng sinh. Mỗi bậc lại chia làm ba bậc (thượng, trung, hạ) nữa. Theo nghiệp tu thiện ác mà chúng sinh được sinh ra ở các đài cao thấp khác nhau. Đài sen là nơi thường trụ của các linh hồn bất diệt, tự nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi tham, sân, si hay các quy luật vô thường.

Với những ý nghĩa như vậy, Phật giáo quan niệm rằng nếu vừa đi vừa đẩy tòa Cửu phẩm quay vừa niệm Nam mô A di đà Phật thì mỗi vòng quay tương ứng 3.542.400 câu niệm Phật, cứu như vậy đến lúc nào đó sẽ được lên cõi Niết-bàn. Cửu phẩm liên hoa là một kiến trúc kép giữa cây Phẩm chín tầng và tổng thể của tòa nhà chứa cây Phẩm đó (nhà Phẩm). Chức năng của tháp Cửu phẩm liên hoa là biểu dương Phật pháp và ca ngợi thế giới Niết Bàn, Cực Lạc - nơi đón rước những linh hồn thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi sang thế giới bên kia, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi[57].

Lịch sử

Tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) xây năm 1927

Sách Việt nam Phật giáo sử luận cho biết Thiền sư Huyền Quang đã xây dựng hai đài “Cửu phẩm liên hoa”, một đặt ở chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn), một đặt ở chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp)[58]:

"Ở chùa Tư Phúc… ông có xây một tòa tháp có thể xoay được, gọi là Cửu phẩm liên hoa… sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký nói rằng Huyền Quang đã đi thăm nhiều chùa, trong đó có chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp. Tại đây ông cũng đã dựng một đài Cửu phẩm liên hoa. Trong những ngày lễ lớn, tín đồ tới chùa tay xoay đài, miệng trì chú hay niệm Phật. Tháp xoay có chín tầng tám mặt, mỗi mặt của tầng dưới chạm nổi hình ảnh sự tích Phật, trong đó có hình ảnh thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà. Tòa Cửu phẩm tại chùa Côn Sơn chắc cũng tương tự”.

Sách Kiến tính thành Phật cho biết, từ năm 1684 đến năm 1693, Thiền sư Chân Nguyên đã cho dựng các đài cửu phẩm[59]:

“… dựng đài Cửu phẩm liên hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu phẩm liên hoa của Thiền sư Huyền Quang ở chùa Ninh Phúc… ra sức tạo dựng đài Cửu phẩm liên hoa, qua chín năm thì hoàn thành ba đài ở ba nơi: đài chùa Quỳnh Lâm núi Tiên Du, đài chùa Hoa Yên núi Yên Tử, đài chùa Linh Ứng huyện Thanh Hà”.

Như vậy, hai đài Cửu phẩm liên hoa mà Thiền sư Huyền Quang tạo tác thật sự là tác phẩm nghệ thuật xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng làm ba đài cũng là kế thừa từ Thiền sư Huyền Quang.

Hiện nay

Hiện nay tại Việt Nam chỉ còn lại ba tòa Cửu phẩm liên hoa làm bằng gỗ, đặt trong nhà phẩm, đều có niên đại vào thế kỉ XVII, là những tác phẩm nghệ thuật cổ cực kì giá trị nhưng đều đã xuống cấp và bị mất trộm nhiều bộ phận (chủ yếu là tượng gắn trên tòa phẩm):

  • Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp vẫn giữ được các mảng phù điêu chạm khắc và vẫn xoay được[60].
  • Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ đã được công nhận là bảo vật quốc gia (2016), hiện mất khá nhiều tượng cổ, không xoay được[61].
  • Cửu phẩm liên hoa chùa Giám đã được công nhận là bảo vật quốc gia (2015), hiện mất gần hết tượng cổ (còn 5 pho), vẫn xoay được nhưng nhà chùa hạn chế để bảo vệ[62].

Cũng có cửu phẩm liên hoa bằng đá và từng xoay được như tòa cửu phẩm ở Chùa Trung Sơn ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương)[63] Ngoài ra có một số chùa dựng những tháp cửu phẩm liên hoa bằng gạch sau này như Chùa Cổ Lễ (1927), chùa Mía...

Sau khi tiến hành khai quật khảo cổ năm 2012 tại Chùa Côn Sơn và tìm được nền móng tòa Cửu phẩm liên hoa, Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc quyết định phục dựng lại tòa Cửu phẩm. Tòa Cửu phẩm và nhà Phẩm mới đã hoàn thành vào năm 2017[57].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tháp chùa Việt Nam http://www.tuvienquangduc.com.au/vanhoa/36kientruc... http://www.nhasachkimdung.com/vn/cuu-pham-lien-hoa... http://chimviet.free.fr/lichsu/nguyenhuechi/nhcs05... http://www.baolaocai.vn/du-lich/khanh-thanh-dai-tu... http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/3966/ve-d... http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/15... http://tnti.vnu.edu.vn/thien-tinh-mat-dung-thong-q... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://dsvh.gov.vn/thap-gom-men-chua-tro-3093 http://honguyenvietnam.vn/book/dai-nam-thuc-luc-id...